Bồi dưỡng chuyên đề “Việt Nam thống nhất tiếp cận từ các nhân tố lịch sử và văn hóa” - GS. Nguyễn Văn Kim - Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội
Vào 8h30 ngày 06/05/2024, khoa Lịch sử tổ chức buổi bồi dưỡng chuyên đề nội dung “Việt Nam thống nhất tiếp cận từ các nhân tố lịch sử và văn hóa” của GS Nguyễn Văn Kim (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)
Trong chuyên đề, GS. Nguyễn Văn Kim đã trình bày với bốn nội dung chính:
- Nhìn lại thế kỷ XX trong lịch sử thế giới và Việt Nam có nhiều biến đổi sâu sắc, rộng lớn, thời kỳ nổi lên của các hệ tư tưởng và sự xung đột sắc tộc, tôn giáo; sự hình thành các mô hình nhà nước, tổ chức kinh tế và xu thế liên kết toàn cầu; nhiều phát minh, thành tựu khoa học và công nghệ quan trọng
- Đặc tính lịch sử của một dân tộc: Trong các cuộc chiến tranh, để sinh tồn, phát triển và để đủ sức chống lại thế lực ngoại xâm, Việt Nam đã hợp tụ lại thành một khối đoàn kết, thống nhất; đề cao chủ nghĩa yêu nước; ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và bản sắc văn hoá dân tộc.
- “Chiến tranh Việt Nam” - Những con số đối sánh: Cuộc chiến đã diễn ra trong thời gian lâu dài nhất với 21 năm; chi phí chiến tranh và lực lượng tham gia lớn; số bom Mỹ đã dội xuống 2 miền Nam - Bắc lớn hơn lượng bom đạn mà Mỹ đã sử dụng trong bất cứ cuộc chiến nào trước đó. Bản chất của cuộc chiến tranh: cuộc chiến tranh phi nghĩa.
- Một số nhận định, phân tích và luận giải: Việt Nam có vị trí chiến lược, có nhiều tiềm năng kinh tế nên Việt Nam luôn giữ vị trí quan trọng trong tầm nhìn chiến lược của các nước. Việt Nam có cội nguồn, sức sống mãnh liệt, có khát vọng độc lập dân tộc, tiếp nhận nhiều giá trị của văn minh châu Á, văn hóa phương Tây nên Việt Nam có thêm động lực trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và có khả năng đối diện, đối thoại với nhiều thế lực chính trị thế giới. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đã thay đổi chủ trương đối ngoại, đa phương hoá các mối quan hệ. Trong xu thế đối thoại và hợp tác, Việt Nam đã chủ động khép lại nhiều nỗi đau trong quá khứ để hướng về tương lai, tranh thủ cơ hội để chấn hưng đất nước.
Buổi bồi dưỡng chuyên môn của GS. Nguyễn Văn Kim đã nhận được ý kiến thảo luận sôi nổi, đây thực sự là một buổi chia sẻ bổ ích về nội dung “Việt Nam thống nhất tiếp cận từ các nhân tố lịch sử và văn hóa”, thúc đẩy, nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng nhóm nghiên cứu trong tương lai.
Một số hình ảnh:
Tags: