Lược dịch từ cuốn: Ma Huan: Ying-yai Sheng-lan 1433 (The overall survey of the ocean’s shores), Feng Ch’eng chun dịch sang tiếng Anh, J.V.G. Mills dịch giới thiệu và chú thích, White Lotus publisher, Bangkok, 1997.
Đây là đất nước được gọi tên là “Wang she ch’eng”, tức “Vương Xa Thành trong các văn bản Phật giáo. Vương quốc này nằm ở phía Nam của Đại Hải (great sea), [một vùng biển] ở phía Nam của biển Quảng Đông. Bắt đầu từ eo biển Wu Hu (eo biển Ngũ Hổ, thuộc vùng cửa sông của Min Chiang)[1] và khởi hành theo hướng Tây Nam, tàu thuyền có thể tới được [địa điểm này] (Vương quốc Champa/Chiêm Thành quốc) trong 10 ngày với điều kiện gió thuận (trong chuyến hành trình thứ 7 của Trịnh Hòa, ông mất 15 ngày để tới được Champa). Nằm liền kề về phía Nam [Vương quốc Champa] là Vương quốc Chen-la (Chân Lạp), về phía Tây nó tiếp giáp với một vương quốc chư hầu triều cống là Chiao Chih (Giao Chỉ/Đại Việt), [và] cả phía Đông và phía Bắc, nó (tức Champa) đều tiến xuống Đại Hải.
Ở [khoảng cách] 100 li (lý) về phía Đông Bắc của kinh đô, có một hải cảng có tên là Tân Sở Cảng (New Department Haven)[2]. Trên bờ biển, họ (tức người Cham) có một tháp đá được tạo thành từ gạch nung (nguyên bản là land-mark). Tàu thuyền từ mọi nơi đến đây để thả neo và lên bờ. Trên bờ biển có một pháo đài mà tên gọi của nó được đặt bởi những ngoại quốc nhân[3]: She pi-nai[4]; họ có 2 vị thủ lĩnh trấn giữ nó, [và] bên trong [pháo đài] có 50 hoặc 60 gia đình ngoại quốc nhân (người Cham) sinh sống để canh giữ vùng cảng.
Đi khoảng 100 li về phía Tây Nam, sẽ tới thành phố nơi mà nhà vua ngự, tên gọi ngoại quốc (của người Cham bản địa) là Thành phố Chan[5]. Thành phố có một bức tường thành bằng đá, mở ra 4 cổng thành, nơi mà được yêu cầu canh giữ cẩn mật. Nhà vua[6] của đất nước này là một So-li man[7], và là một tín đồ nhiệt thành của tôn giáo Phật giáo. Trên đầu ông ta đội một chiếc vương miện ba tầng được trang trí tao nhã bằng vàng nạm, trông giống như được đội bởi một phụ tá của nhân vật đóng vai “ching” (những diễn viên vẽ hoa văn trang trí chân dung họ và chuyên đóng vai phản diện trong những vở kịch ở Trung Hoa). Ông ta khoác trên mình một chiếc áo choàng dài được làm từ vải của ngoại quốc nhân (người Cham bản địa) với những trang trí nhỏ [làm từ] chỉ ngũ sắc (trắng, đen, xanh da trời, vàng, đỏ), và ở phần dưới [của cơ thể nhà vua] quấn một tấm sarong[8] làm từ lụa màu và ông ấy để chân trần. Khi nhà vua đi đâu đó, ông ta sẽ cưỡi voi hoặc cưỡi thứ gì đó, ví như ngồi trên điều khiển một chiếc xe kéo với 2 con bò đực vàng kéo phía trước. Chiếc mũ được đội bởi các vị quan cao cấp được làm từ lá “chao-chiang”[9], giống với chiếc mũ miện mà nhà vua đội nhưng được trang trí với vàng và nhiều màu sắc; và sự khác biệt giữa các mũ là chúng biểu trưng cho sự phân cấp các thứ hạng quan chức trong triều đình. Các áo choàng màu sắc mà họ mặc dài không quá đầu gối, và phủ phần dưới cơ thể của họ, họ quấn một tấm sarong đa màu sắc làm từ vải của ngoại quốc nhân (người Cham)[10].
Ngôi nhà mà nhà vua ngự ở trong thì cao và rộng lớn. Mái nhà được tạo nên ở trên bởi một lớp ngói thuôn dài chữ nhật. Bốn bức tường bao quanh được xây một cách cầu kì bằng gạch và vữa, nhìn rất ngăn nắp, gọn gàng. Cánh cửa được làm từ gỗ rất chắc và được trang trí bởi những họa tiết chạm khắc hình ảnh những loài thú hoang dã hoặc động vật bản địa.
Những ngôi nhà mà dân chúng sống trong đó có mái nhà làm từ cỏ tranh, chiều cao của mái hiên [tính từ mặt đất lên] không thể vượt quá 3 “ch’ih”[11]. Mọi người đi ra và đi vào nhà phải cúi người và hạ thấp đầu xuống. [Và] đi thẳng lưng để vào là một sự bất lịch sự, điều cấm kị.
Quy định về màu sắc của quần áo: trang phục màu trắng làm từ vải dệt tay thì chỉ nhà vua mới được mặc nó; đối với dân chúng, tất cả quần áo màu đen, màu vàng và màu tía mới được cho phép mặc, nhưng mặc đồ màu trắng là một điều cấm kị ở kinh đô.
Đàn ông trong nước thường để đầu bù tóc rối, đàn bà con gái búi tóc ở phía sau đầu. Thân mình họ khá đen đúa. Phần phía trên cơ thể, họ mặc những chiếc áo ngắn tay và ở phần dưới cơ thể (từ bụng trở xuống) quấn một sarong làm từ lụa nhiều màu. Tất cả đều để chân trần.
Khí hậu nóng dễ chịu mặc dù không có sương giá hay tuyết phủ, luôn luôn giống như chỉ có một mùa vào tuần trăng thứ 14 hay 15. Thực vật và cây cối luôn luôn xanh tốt. Các ngọn núi cung cấp nguồn gỗ mun, trầm hương “ch’ieh-lan”, tre Kuan Yin (tre Quan Âm) và cả gỗ laka (laka-wood). Gỗ mun là loại gỗ đen bóng, chắc chắn có phẩm chất tốt hơn sản phẩm của nhiều xứ khác. Trầm hương “ch’ieh-lan” chỉ được sản xuất trên một ngọn núi cao lớn của đất nước này và không đến từ bất cứ nơi nào khác trên thế giới; nó rất đắt đỏ, trao đổi [trọng lượng của chính nó] với bạc. Tre Quan Âm (Kuan Yin) giống với một loại cây mây (cây song) thẳng, nhỏ. Nó là 1 “chang” dài 7 hoặc 8 “ch’ih” (thước)[12], có màu sắt đen; nó còn có 2 hoặc 3 đốt trên mỗi một inch chiều dài và nó cũng không được sản xuất từ bất cứ nơi nào.
Sừng tê giác và ngà voi rất dồi dào phong phú. Con tê giác giống với con trâu nước về hình dáng, một con có trọng lượng 7 hoặc 800 “chin”[13]; hầu hết cơ thể không có lông, màu đen, toàn thân được bao phủ bởi lớp vảy; da tê giác dầy, có nhiều nếp nhăn và dơ dáy, bẩn thỉu; mỗi móng guốc có 3 ngón chân; [và] trên đầu có một cái sừng mọc ở giữa sống mũi, một cái sừng tê giác dài chừng 1 “ch’ih” (thước) 4, 5 “ts’un” (tấc)[14]. Nó không ăn cỏ nhưng nó ăn những loại cây có gai và cả lá có gai, nó cũng ăn cả [những miếng] gỗ khô lớn. Nó bài tiết ra phân tương tự loại chất thải (sumach-refuse) của một tiệm nhuộm vải. Ngựa của họ thấp và nhỏ, giống như con lừa. Trâu nước, bò đực vàng, lợn và dê là tất cả những gia súc họ có. Ngỗng và vịt khá khó tìm. Gà trống thì bé nhỏ, con lớn nhất không vượt quá 2 “chin” cân nặng[15], [và] chân của chúng dài khoảng 1 hoặc 0,5 ts’un (tấc) và dài nhất là 2 tấc[16]. Con gà trống có mào đỏ và đôi tai nhỏ màu trắng, cùng với vùng eo thon nhỏ và cái đuôi dài; nó gáy khi mà con người đặt chúng lên tay của mình, [chúng] rất được thích thú.
Về hoa quả, họ có rất nhiều loại, ví như: mận, cam, dưa hấu, mía đường, dừa, mít[17] và chuối. Quả mít có hình dáng tựa tựa quả dưa bí[18], lớp vỏ ngoài lại giống như quả Litchi (quả vải) từ Ch’uan (thuộc Trung Quốc), phía trong lớp vỏ có nhiều múi màu vàng tươi, to như lòng đỏ quả trứng gà, có vị ngọt tựa mật ong; bên trong những múi đó có một cái hột giống như quả thận gà; [và] khi nướng và ăn, nó có mùi vị tựa như vị hạt dẻ.
Về rau củ, họ có bầu bí, dưa chuột, mướp (bottle-gourd), cải (mustard plant), hành và gừng, và họ có tất cả những thứ đó. Các loại rau và hoa quả khác hoàn toàn thiếu thốn.
Hầu hết đàn ông làm nghề chài lưới để mưu sinh; họ hiếm khi tham gia vào canh tác nông nghiệp. Và đó là lí do gạo cùng các loại ngũ cốc không được phong phú dồi dào. Ở địa phương, vô số hạt gạo (để ăn và giáp hạt) nhỏ, dài và hơi đỏ. Cây lúa mạch và cây lúa mì (gồm lúa mì hạt nhỏ và hạt lớn) cũng được chú trọng. Dân Cham nhai đi nhai lại một cách kiên nhẫn những quả cau[19] và lá trầu không.
Khi người nam và người nữ kết hôn, chỉ có một yêu cầu là người nam tốt nhất nên đến nhà người nữ trước tiên, và ngủ qua đêm ở đó. Sau 10 ngày hoặc nửa tháng (âm lịch), cha mẹ người nam cùng với họ hàng, bè bạn của họ, nổi trống chiêng, nhạc vũ linh đình để rước cô dâu, chú rể trở về nhà trai, sau đó họ mới chuẩn bị rượu và chơi nhạc.
Về rượu của họ (người Cham): họ lấy một ít gạo rồi trộn nó với thảo dược, đậy kín [hỗn hợp đó] trong một cái chum, và đợi cho đến khi nó chín kĩ càng. Khi họ chuẩn bị uống rượu đó, họ dùng 1 ống tre nhỏ với nhiều đốt, dài 3 hoặc 4 ch’ih (thước, 3 thước khoảng 36,7 inches), châm ống đó vào trong bình rượu, và ngồi xung quanh; [sau đó họ] đổ nước lã vào căn cứ theo con số người xung quanh, đặt bình rượu trở lại để hút [rượu] và uống nó. Đến khi [bình rượu] bị hút cạn, người ta đổ thêm nước vào và uống tiếp; [họ làm điều này] đến khi không còn một chút hương vị nào [của rượu] họ mới dừng lại.
Về cách mà họ (người Cham) viết: họ không có giấy hay bút. Họ sử dụng cả những tấm da dê mỏng và vỏ cây hun khói đen, sau đó họ cuộn gập nó lại thành dạng một quyển sách kiểu cổ điển, [trên đó] với phấn trắng, họ viết các kí tự phục vụ cho các văn bản ghi chép[20].
Về việc xét xử tội phạm ở quốc gia này: đối với trường hợp tội nhẹ, họ dùng tra tấn vào lưng [tội nhân] bằng roi mây; đối với trường hợp tội nặng, họ cắt mũi tội nhân; đối với tội trộm cắp, họ chặt 1 bàn tay tội nhân; đối với tội gian dâm, người nam và người nữ sẽ bị đóng dấu vào mặt tạo thành một vết sẹo; đối với tội cực kì nặng, đáng ghê tởm, họ dùng một thanh gỗ cứng, vót thành một hình sắc nhọn và đặt thanh gỗ đó trên 1 khúc gỗ có hình dáng tương tự như chiếc thuyền; họ đặt thứ này trên một vùng nước; và họ buộc tội nhân phải ngồi lên trên cọc gỗ vót nhọn đó, thanh gỗ hoặc đoạn cọc gỗ sẽ đâm xuyên từ miệng anh ta và giết chết anh ta; và sau đó xác chết bị bỏ trên mặt nước như là hình thức để cảnh báo công khai.
Về việc xác định thời gian (thiên văn, lịch pháp): họ không có tháng nhuận nhưng 12 tháng tạo thành 1 năm. Ngày và đêm được chia thành 10 tiếng đồng hồ, được cư dân chỉ dẫn bằng tiếng trống. Về phân chia bốn mùa: họ lấy thời điểm hoa bắt đầu nở rộ trong năm là mùa Xuân và thời điểm lá rụng trong năm là mùa Thu. Vào thời gian nghỉ lễ năm mới, nhà vua lấy túi mật của những kẻ đang sống, trộn nó với nước rồi tắm [trong nó]; các vị quan chức từ khắp mọi địa phương cũng thu lượm, sưu tầm [những túi mật này và] dâng nó lên nhà vua như một món quà triều cống mang tính lễ nghi cung đình.
Khi nhà vua đã trị vì đất nước được 30 năm, ông ta sẽ từ bỏ quyền lực và trở thành một tu sĩ, nhường ngôi cho anh em trai hoặc con trai hoặc cháu trai, [họ sẽ] để quản lí các vấn đề của đất nước. Nhà vua đi tới khe núi, ăn chay và xám hối hay đôi lúc ông ta còn ăn một chế độ ăn chay. Ông ấy sống ở đó một mình trong một năm. Ông ấy lập một lời thề với Trời rằng: “Trước đây khi ta còn làm vua, nếu ta phạm phải điều cấm kị trong thời gian ta ở ngai vàng, ta thề sẽ để cho chó sói, cho hổ ăn tươi nuốt sống ta hoặc bệnh tật hủy diệt con người ta”. Nếu sau gần một năm trời, ông vua này không chết, ông ta sẽ thừa hưởng ngai vàng một lần nữa và nắm quyền cai trị trở lại đối với đất nước của mình. Dân chúng trong nước ca tụng ông, nói câu: His-li Ma-ha-la-cha[21], đây là danh hiệu tôn xưng đáng tôn kính nhất, thần thánh nhất.
Kẻ được gọi “quỷ man rợ đầu-thân mình [tách rời nhau]” thực sự là một người đàn bà thuộc vào một gia đình loài người, nét đặc biệt duy nhất của bà ta là cặp mắt không có con ngươi; vào buổi tối, khi nằm ngủ, đầu của bà ta bay đi và ăn phân thon nhọn của các trẻ sơ sinh; đứa trẻ, bị tác động bởi ảnh hưởng ma quỷ chui vào trong bụng của nó, không tránh khỏi cái chết; [và] chiếc đầu biết bay quay trở về và hợp nhất với cơ thể của nó, y như trước. Nếu [người ta] biết [được việc này] và chờ cho đến khi chiếc đầu bay đi, [và rồi] di chuyển cơ thê” đi nơi khác, [chiếc đầu] trở về không thể gắn liền [với thân xác], và khi đó [người đàn bà] bị chết[22]. Nếu sự hiện diện của một người đàn bà như thế trong một gia đình không được báo cáo với các giới chức thẩm quyền, ngoài kẻ sát nhân, toàn thể gia đình trở nên các tòng phạm của một tội phạm.
Lại nói, có một cái bể nước lớn kết nối với biển, được gọi là “Bể cá sấu” ; nếu trong một vụ kiện tụng giữa các cá nhân nảy sinh vấn đề khó để làm sáng tỏ và các vị quan chức không thể đưa ra quyết định, họ sẽ buộc 2 kẻ kiện tụng lẫn nhau ngồi lên các con trâu nước rồi băng qua cái bể kia, cá sấu sẽ kéo đến và xé xác kẻ mà gây ra điều sai trái, nhưng kẻ làm điều đúng đắn kia lại không bị cá sấu xá xác, thậm chí anh ta có đi qua đi lại bể đó tới 10 lần. [Điều này] là điều kì diệu phi thường.
Trên ngọn núi gần phía biển có những con trâu nước hoang dã rất hung tợn; nguồn gốc của chúng là những con trâu kéo cày bản địa nhưng đã chạy trốn lên núi; ở nơi đây chúng tự mình tồn tại và trưởng thành, và trong một thời gian dài, chúng phát triển thành những bầy đàn. Nhưng nếu chúng thấy một người lạ mặc đồ màu xanh nước biển, chúng sẽ chắc chắn đuổi theo anh ta và húc anh ta tới chết, chúng rất ác nghiệt.
Ngoại quốc nhân (người Cham) có quan niệm rất đặc biệt về cái đầu của họ; [và] nếu [bất cứ ai] chạm vào đầu của họ, họ sẽ có cảm giác [giống như] chúng ta căm thù và muốn chống lại họ giống như [khi chúng ta ở] Trung Quốc có cảm giác như căm ghét kẻ mọi rợ giết người.
Trong hoạt động giao dịch thương mại của họ, họ hiện đang sử dụng loại vàng pha với 70% vàng nguyên chất, hoặc [họ dùng] bạc.
Họ rất thích đĩa, bát và các loại hàng sứ tráng men xanh khác[23], lụa gai[24], the lụa, tràng hạt và những thứ khác từ Trung Nguyên, nên họ đem vàng pha tới để sử dụng trong trao đổi. Họ tiếp tục mang tới sừng tê, ngà voi, trầm hương “ch’ieh-lan” và những thứ khác nữa; và quà biếu của họ mang tới giống như quà biếu gửi tới Trung Quốc vậy.
Người dịch tiếng Việt và giới thiệu: Trần Anh Đức, Trợ lí Khoa học khoa Lịch sử
[1] Chính xác là Ngũ Hổ Môn, cửa đổ ra biển của Mân Giang, thuộc tỉnh Phúc Kiến.
[2] Tân Sở Cảng có lẽ là tên gọi của Qui Nhơn ngày nay, vẫn được gọi dưới tên “Hsin Chou” (Tín Châu) bởi người Trung Hoa.
[3] Ở đây Mã Hoàn muốn ám chỉ những cư dân vương quốc Champa mà ông ta đang mô tả.
[4] Có lẽ là thành phố cố đô “Sri Banoy” nằm trên đống đổ nát của cố đô Bình Lâm (?), giữa kinh đô (Vijaya) và vịnh Qui Nhơn.
[5] Thành phố Chan tức Kinh đô Vijaya hay Caban (Chà Bàn) thuộc tỉnh Bình Định ngày nay.
[6] Phỏng đóan là vua Vira Bhadravarman, từ năm 1432 trở về sau có hiệu là Indravarman, theo Coedes.
[7] Là một tự dạng của từ “Chola”, tên gọi một sắc dân ở vùng Coromandel của Ấn Độ Dương. Mã Hoàn sử dụng từ này khá nhiều và có chút cảm tính. Ông đã dùng từ “Chola” để gọi một ông vua Thái và một ông vua của Ceylon (Sri Lanka). Ở trường hợp này, ý của Mã Hoàn chủ yếu muốn chỉ ra rằng vua Champa là hậu duệ của người Ấn.
[8] Người Trung Hoa gọi là “Shou Chin”, vải dệt tay. Và theo Mã Hoàn thì đó là một mảnh vải được cư dân vùng Tây Dương dùng để quấn quanh phần dưới cơ thể của họ.
[9] Chữ thứ nhất xuất hiện trong tác phẩm của Giles (A Chinese Biographical Dictionary, London – Shanghai, 1898), chữ thứ hai không xuất hiện trong từ điển, không nghi ngờ gì nữa, nó có thể được phát âm bởi Giles. Sự nhấn mạnh này là một sự chuyển ngữ của từ “kajan” trong tiếng Cham hoặc từ “Kajang” trong tiếng Java và tiếng Malay, một loại chiếu không thấm nước làm từ lá của cây dứa dại (pandanaceae).
[10] Phụ thuộc vào chức trách của các vị quan chức trong hệ thống hành chính và địa vị của họ trong xã hội.
[11] Khoảng 36,7 inches.
[12] Khoảng chừng 17,5 đến 18,5 feet.
[13] Khoảng 900 đến 1.000 pound.
[14] Khoảng 17 hoặc 18 inches.
[15] Khoảng 2,6 pound, đơn vị đo lường của hệ thống Mĩ – Anh.
[16] Tương đương với 2 tấc này là 2,4 inches độ dài.
[17] Nguyên văn là jack-fruit hay Po-lo-mi theo cách gọi trong từ điển của Giles, một tên gọi đã được sử dụng trong thời gian dài trước thời đại của Mã Hoàn, loại quả có tên khoa học là “Artocarpus integra Merr”.
[18] Tung kua, Đông qua?, gọi là quả “bầu mùa đông” (winter gourd), cũng gọi là quả “bầu Đông phương” (eastern gourd), “bầu trắng” hay “dưa bầu” cũng là cách gọi khác. Tên khoa học của nó là Benincasa cerifera.
[19] Pin-lang (theo Giles), có nguồn gốc từ từ “Pinong” trong tiếng Cham, từ thông tục trong thổ ngữ Mân là “pin-nng”, “pinang” và “areca catechu” trong tiếng Malay, cũng được gọi là “areca-nut” nghĩa là hạt của quả cau.
[20] Người Cham tiếp thu hệ chữ cái của vùng Nam Ấn, nhưng từ thế kỉ VIII trở về sau sự cải biến mang tính bản địa đối với hệ chữ đã được tạo ra. Ngôn ngữ Cham là sự hòa trộn đặc biệt yếu tố quần đảo (Indonesia) và yếu tố Nam Á (Môn – Khmer).
[21] Sri Maharaja, Đại Vương, một danh hiệu tôn xưng bằng chữ Sanskrit
[22] Tương tự chuyện về Nữ thần báo tử (Banshees) đã được kể vẫn còn hiện hữu tại Malacca. Feng (trang 5) nghĩ rằng Mã Hoàn đã dựa trên nội dung ghi chép của Wang Ta-yuan (Vương Đạt Nguyên, tác giả cuốn Đảo Di chí lược) về xứ Phan-rang, xem thêm Rockhill, phần II, tr. 97.
[23] Đồ sứ men xanh và trắng của nhà Minh rất được ưa chuộng trên thế giới, những lô hàng tốt hơn đã được chuyển tới thị trường Ấn Độ và Cận Đông, còn những đồ gốm xấu hơn, thô hơn, chưa gọt giũa thì được vận chuyển đến Java, Borneo và quần đảo Philipinnes.
[24] Chu ssu (Giles), đây là thứ nguyên liệu của người Trung Hoa, xuất hiện như 1 dải kết hợp giữa sợi gai và lụa, có nhu cầu rất lớn về loại vải luạn này tại vùng Đông Nam Á, vua của Java đã từng mặc chiếc áo có đai thắt lưng làm từ loại vải này