TS. Nguyễn Văn Dũng
Dẫn nhập…
Hoạt động bang giao với nước ngoài, đặc biệt đối với Trung Hoa luôn được các triều đình phong kiến Đại Việt nói chung và Triều Lê – Trinh nói riêng coi trọng. Bởi lẽ, Đại Việt là một nước nhỏ, rất cần có sự ổn định để tồn tại và phát triển, hết sức tránh những xung đột quân sự. Các triều đại nước ta luôn áp dụng chính sách bang giao mềm dẻo, hòa hảo, đã thừa nhận quan điểm là Thiên Triều và Phiên Quốc, nghĩa là coi đất mình là do Hoàng đế Thiên Triều phong cho, chấp nhận sắc phong, coi như một sự công nhận chính thức của Thiên Triều. Đinh kỳ Đại Việt đều có sự cống phẩm vật (lễ tuế cống). Mặt khác trong quan hệ bang giao, Đại Việt cũng luôn thể hiện rõ quan điểm không khoan nhượng trước hành động xâm lấn lãnh thổ, thể hiện sự khinh miệt nước nhỏ của Trung Hoa. Có thể nói, đường lối ngoại giao của các triều đại Đại Việt với Trung Hoa là “mềm mỏng nhưng có nguyên tắc”, thể hiện là nước nhỏ nhưng không yếu hèn. Để thực hiện được mục tiêu đặt ra trong quan hệ bang giao, Triều Lê – Trinh luôn tìm những Triều quan có học thức yên thâm, có tài ứng đối, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh để giao trọng trách đi sứ. Lê Quý Đôn là một người có đầy đủ các phẩm chất của một sứ thần đã được Triều đình Lê – Trịnh lựa chọn đi sứ nhà Thanh vào năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760) và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Qua những tư liệu ghi chép về chuyến đi sứ sang nhà Thanh của Lê Quý Đôn cho chúng ta thấy được tài năng và tinh thần yêu nước, luôn tận dụng mọi cơ hội để đề cao vị thế của dân tộc mình trong khi tiếp xúc với các học giả, quan lại Trung Hoa và các sứ thần ngoại quốc đến Trung Hoa.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến những nỗ lực của Lê Quý Đôn trong việc đề cao vị thế của Đại Việt trong quan hệ bang giao với nước ngoài nhân chuyến đi sứ sang Trung Hoa từ năm 1760 đến năm 1762, với mong muốn tham góp một góc nhìn nữa về tài năng và những đóng góp của ông đối với dân tộc.
1. Vài nét về thân thế và sự nghiệp của LQĐ
Lê Quý Đôn tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh năm Bính Ngọ (1726) ở xã Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam[1], là con của Lê Trọng Thứ, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 (1724), làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hình[2].
Từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là bậc kỳ tài. Năm 1739 , Lê Quý Đôn theo cha lên kinh đô Thăng Long học và đầu năm 1743, ông đỗ đầu khoa thi Hương, năm đó mới 18 tuổi. Khoa thi Nhâm Thìn (1752), Lê Quý Đôn đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị danh (Bảng nhãn), năm đó không lấy Trạng Nguyên. Như vậy, ở cả kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, ông đều đỗ đầu. Sau khi đỗ cao, ông được triều đình Lê – Trịnh bổ nhiệm các chức vụ quan trọng: Hàn lâm viện Thị thư (1752), Hàn lâm viện Thừa chỉ, sung Toản tu Quốc sử quán (1754), Thanh tra Sơn Nam, Tri binh phiên phủ chúa (1756), Hàn Lâm viện thị giảng (1757), Phó sứ đoàn sứ bộ đi sứ Yên Kinh (1760 – 1762), Bí thư các Học sĩ (1762), Đốc đồng trấn Kinh Bắc (1764), Hàn lâm viện Thị thư, kiêm Tu nghiệp Quốc tử giám (1767-1769), Thị lang bộ Công, Quyền đô Ngự sử (1770 – 1772), Nhập thị Bồi tụng (1773), được giao quyền giữ Thăng Long cùng 5 người khác (1774), Tả thị lang bộ Hộ, Quốc sử quán Tổng tài, Hành đô Ngự sử (1775), Hiệp trấn Tham tán quân cơ Thuận Quảng (1776), Hứu hiệu điểm quyền phủ sự (1778), Quốc sử quán Tổng tài (1781), Hiệp trấn Nghệ An (1783), Thượng thư bộ Công (1784)[3].
Lê Quý Đôn không chỉ là một người có tư chất thông minh mà còn là một tấm gương thực học phi thường, có phương pháp học tập sáng tạo, khoa học. Viết lời Tựa cho bộ Vân đài loại ngữ vào năm 1777, Tiến sĩ Trần Danh Lâm đã nhận xét về Lê Quý Đôn như sau: “Lê Quế Đường, người huyện Diên Hà, không sách gì không đọc, không vật gì không suy xét đến cùng, ngày thường ngẫm nghĩ được điều gì đều viết ngay thành sách, sách chất đầy bàn, đầy tủ, kể ra không xiết”[4]. Chính Lê Quý Đôn cũng đã viết: “Tôi, vốn là người nông cạn, lúc còn bé thích chứa sách, lúc trưởng thành ra làm quan, xem lại sách đã chứa trong tủ, vâng theo lời dạy lúc qua sân[5], lại được giao du nhiều với bậc hiền sĩ đại phu…đi đến đâu cũng để ý tìm tòi, phàm việc gì mắt thấy tai nghe, đều dùng bút ghi chép, lại phụ thêm lời bình sơ qua, giao tiểu đồng đựng vào túi sách, lâu ngày tích tập, sau mới chép thành từng thiên…”[6]
Những tri thức mà ông thâu lượm được nhằm phục vụ cho mục đích giúp triều đình trị quốc, an dân và làm giầu vốn văn hóa của dân tộc. Không những vậy, với với vốn kiến thức uyên bác và tài ứng đối của mình, trong thời gian đi sứ nhà Thanh, Lê Quý Đôn đã thực sự góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vị thế của nước Đại Việt trong con mắt của các học giả, quan lại nhà Thanh, cũng như sứ thần của Triều Tiên.
2. Nỗ lực nâng cao vị thế của Đại Việt trong quan hệ bang giao
Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), nhân Thượng hoàng Lê Ý Tông mất, triều đình Lê – Trịnh đã cử một đoàn sứ thần sang nhà Thanh để báo tang và tuế cống. Đoàn sứ bộ Đại Việt gồm có 1 chánh sứ là Trần Huy Mật[7], 2 Phó sứ là Trịnh Xuân Thụ[8] và Lê Quý Đôn.
Trong ba người lãnh đạo sứ bộ Đại Việt thì Trịnh Xuân Thụ là người nhiều tuổi nhất, năm 1760, ông đã 56 tuổi, Chánh sứ Trần Huy Mật: 50 tuổi, Lê Quý Đôn là người trẻ tuổi nhất, năm đó ông mới 34 tuổi. Lê Quý Đôn là trường hợp ngoại lệ đặc biệt về tuổi tác trong lịch sử bang giao giữa Đại Việt và Trung Quốc. Bởi lẽ, được giao trọng trách sứ thần thường phải là những người trên 50 tuổi, tuổi “tri thiên mệnh” và phải có học vị Tiến sĩ. Phan Huy Chú có viết: “Chức sứ thần là người có trách nhiệm ngoại giao, tất phải kén người đỗ Tiến sĩ”[9]
Người được triều đình lựa chọn đi sứ rất vinh dự, đồng thời cũng ý thức được trách nhiệm lớn lao đối với quốc gia, dân tộc, Lê Quý Đôn ý thức rất rõ điều này. Trong bài Đề từ cuốn Bắc sứ Thông lục ông kể chuyện rằng: “Khi ta mới tám chín tuổi, học sách Luận Ngữ (Khổng Tử) với cha, đến câu “Làm việc biết điều đáng thẹn, đi sứ bốn phương mà không làm nhục mệnh Vua, như thế có thể gọi là kẻ Sĩ” cha tôi hỏi : “Mầy có thể làm như vậy không ?” Tôi đáp : “Chỉ biết thẹn là khó mà thôi. Còn đi sứ làm vẻ vang nước nhà, làm trọng mệnh Vua, thì có khó gì ?” Cha tôi cười mà bảo: “thằng bé này có hào khí !” và dạy rằng: “Ý khí thì cố nhiên nên hào, nhưng không nên quá. Nên không nhún, không rời phẩm cách, nhưng phải nhã nhẵn, nhẹ nhàng, đừng để lộ ra một chút thô suất” Tôi thưa “vâng.”[10].
Với ý thức như vậy, khi đi sứ Lê Quý Đôn xác định được mỗi cử chỉ, hành động, lời nói của mình không chỉ phản ánh giá trị của bản thân, mà còn là danh dự của quốc gia, dân tộc. Ông không nói ra trực tiếp điều này, nhưng những chi tiết, diễn biến trong cuộc hành trình đi sứ được phản ánh trong cuốn sách do ông soạn đã thể hiện rất rõ điều này.
Trong bài Đề từ cuốn Bắc sứ Thông lục, Lê Quý Đôn viết: “Ta vừa qua Nam Quan, liền gặp quan Tuần Kiêm họ Tra đưa thơ thách họa. Dọc đường gặp các quan liêu, bậc cả, sĩ phu đặt những câu hỏi hóc búa, họ bắt bẻ tranh luận như là kẻ địch. Lại có sứ Triều Tiên, quan Khâm Sai bạn tống đều là những bậc văn hào. Họ đã không coi mình là người nước ngoài mà khinh, đã tiếp chuyện nhiều lần. Tôi may nhờ hồng phúc, dùng văn tự nói chuyện, may khỏi bị khinh khi, mà còn được tán khen”[11].
Trong sách Quế đường thi tập[12], Lê Quý Đôn cho biết: “Tháng chạp năm Canh Thìn (1760), khi làm lễ ở Hồng Lô tự, chúng tôi được gặp sứ thần nước Triều Tiên là: Chánh sứ Trạng nguyên Hồng Khải Hy, Phó sứ văn khoa Trạng nguyên Triệu Vinh Tiến, Xuân phường Học sĩ Lý Huy Trung, giải chiếu mời nhau cùng ngồi. Sau khi hỏi rõ tên tuổi từng người, cùng ngồi đàm đạo một thời gian ngắn, rồi bèn trao cho nhau giấy hoa tiên, quạt, cùng thuốc men phẩm vật địa phương. Nhân đấy làm thơ tặng cho nhau.” Với vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử và văn hóa Triều Tiên thể hiện trong các bài thơ xướng họa của Lê Quý Đôn đã nhận được đánh giá rất cao của hai sứ thần Triều Tiên. Chánh sứ Hồng Khải Hy viết: “Kỳ ngộ chỉ ưng thông trữ cảo” (cuộc kỳ ngộ của chúng ta nên kết lại thành sợi tơ, dây gai), ý muốn nói để cho thật bền chặt và lâu dài. Còn vị Học sĩ Lý Huy Trung đã viết: “Quy thác áng nhiên giai Việt tự” (Chứa đầy túi đưa về nước, đều là chữ của sứ thần Đại Việt)[13]. Trong cuộc gặp gỡ này, Lê Quý Đôn đã giới thiệu cuốn sách Quần thư khảo biện do ông soạn với hai vị sứ thần Triều Tiên và đề nghị họ viết lời tựa. Hai vị sứ thần Triều Tiên đã dành cho Lê Quý Đôn và cuốn sách do ông soạn những ngợi khen thích đáng. Trong lời tựa cuốn sách Quần thư khảo biện, Hồng Khải Hy đã viết: “Ông Lê Quế Đường, học sĩ nước An Nam, vâng mệnh đi sứ Trung Quốc. Tôi được gặp ông ở quán Hồng Lô. Ông diện mạo sáng sủa, thông thạo lễ nghĩa, vừa mới gặp đã biết ngay là bậc anh tài của một nước. Một hôm ông đưa cho tôi xem sách Quần thư khảo biện do ông soạn. Bộ sách đã khảo cứu và bàn luận về sử sách các đời giống như sách Chí lâm của Pha Ông[14], sách Hướng ngôn của Mông Tẩu[15]. Trên dưới mấy năm [lịch sử], cái này được, cái kia mất; ai giỏi ai kém, như thế này thì yên, như thế kia thì nguy, không chỗ nào là không xem xét suy tính đến. Có chỗ [ông] lật ngược lại những án kiện cũ, có chỗ [ông] vạch ra những lời bàn sai lầm đã qua nhiều đời. Kiến thức tinh tế, lý giải diệu kỳ [của ông] nổi bật trên các hàng chữ. Đoạn bình luận về các học thuyết của họ Chu[16], họ Lục[17] mà ông đã nêu ra ở cuối sách càng cho ta thấy học thuật của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng, thuận lẽ như gió lướt trên mặt nước, không chút sâu cay gò bó gì cả. Thực chỉ nếm một miếng đã thấy vị ngon của cả nồi [thức ăn] rồi.”[18] Phó sứ Triều Tiên, Lý Huy Trung trong một lá thư ngắn cũng đã ngợi ca hết lời: “May mắn được xem bộ sách Quần thư khảo biện [của ngài], tôi kính cẩn đọc hết từ đầu đến cuối. Đúng là toàn lời hay lý thuận được viết ra từ những suy nghĩ và nhìn nhận sang suốt, [đáng] làm gương soi, làm mực thước cho đại thể. Thật không kém gì lời bàn của các dan nho đất Mân đất Lạc. [Nếu nói] nước Nam không có bậc quân tử thì sao có được người tài giỏi như thế ? Đáng khâm phục thay”[19]. Những lời nhận xét trên đây cho chúng ta thấy sự nể trọng, khâm phục của những vị trí thức đại quan của Triều Tiên đối với Lê Quý Đôn. Đồng thời qua đó họ cũng thấy được bề dầy văn hiến của Đại Việt, một dân tộc đã sinh ra một con người kỳ tài và thông tuệ như Lê Quý Đôn. Như vậy, Lê Quý Đôn đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vị thế của Đại Việt trong con mắt của người Triều Tiên.
Hành trình và diễn tiến các công việc của đoàn sứ thần Đại Việt sang nhà Thanh được Lê Quý Đôn ghi chép tỉ mỉ trong cuốn Bắc sứ thông lục, tuy nhiên sách này không còn được đầy đủ. Học giả Hoàng Xuân Hãn đã dịch và khảo cứu sách Bắc sứ thông lục, đồng thời kết hợp với các sách Kiến văn tiểu lục và Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn để viết về những chi tiết rất thú vị trong chuyến đi sứ của Lê Quý Đôn được đăng trên tập san Sử Địa số 6 (năm 1967) và số 11 (năm 1968) do nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn ấn hành và bài viết Lê Quý Đôn đi sứ nhà Thanh đăng trên tờ Đoàn Kết số Giai phẩm Xuân 80. Theo Hoàng Xuân Hãn, trong Bắc sứ thông lục còn giữ được lời ghi những buổi bút đàm với một vị đại quan nhà Thanh và cũng là một học giả uyên thâm triều Thanh là Chu Bội Liên[20]. Chu Bội Liên đã đã hỏi Lê Quí Đôn về sự thay đổi địa danh ở nuớc ta từ đời Tần Hán đến đời Minh. Lê Quý Đôn đã trả lời rất đầy đủ. Không những ông bàn địa dư Giao Chỉ mà còn so sánh với sử địa Triều Tiên, để ấn tượng là người uyên bác về quốc sử khi mới hơn 30 tuổi. Lê Quý Đôn đã đưa hai quyển sách đã soạn, Thánh Mô Hiền Phạm Lục và Quần thư khảo biện cho Chu Bội Liên xem và xin đề tựa. Chu Bội Liên đã thấy rằng ông có chí, học rộng, cảm thấy nước ta có văn học, và ” tiếc rằng Quế Đường (hiệu ông) sinh ở Nam Phiên, không thể ở lâu tại Trung Châu. Nếu được ở Trung Châu vài năm, cùng thầy có tiếng đạo đức văn chương giảng giải và nghiên cứu để tìm tình tứ Chu Công, Khổng Tử, thì ta không thể lường được ông sẽ tiến đến đâu “[21]. Qua lời nhận xét của một văn gia đứng tuổi ở Trung Châu đối với một dân phiên thổ, tuy đậu Bảng nhãn, nhưng trẻ, chúng ta thấy được sự ngạc nhiên và kính nể của người cao sĩ Trung Quốc đối với Lê Quí Đôn và đối với nước ta.
Chu Bội Liên đã nghe người khác nói rằng sách Thái Tử Tuyên Kí viết: An Nam thờ Giải Tấn[22] và coi y như bậc Thánh, cho nên khinh thường trình độ văn học nước ta[23]. Vì vậy Lê Quí Đôn đã phải biện bác lại, kể những người nước ta có văn danh trước khi Giải Tấn tới như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Bá Quát, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An đời Trần. Cho đến những người Minh sang cai trị An Nam, thì Hoàng Phúc còn để tiếng lại, chứ Giải Tấn thì không ai biết đến. Ông còn nói: “Nó là một khách thương qua chơi, sao có thể đến Quốc tử giám (Văn miếu), mà biết rõ điển chương, văn hiến của nước tôi”. Chu Bội Liên chấp nhận lời biện bác ấy rồi chuyển sang hỏi về cửa thành. Chu Bội Liên hỏi: “Tôi nghe nói rằng thành xứ Phù Nam (Cam-pu-chia) có bốn cửa, cửa Tiền hướng Đông. Thấy chép như vậy trong sách Giang Đông Cựu Sự,nhưng tôi lấy làm nghi, vậy cửa Tiền ở Quí quốc quả như thế không ?”
Lê Quý Đôn đáp: “Từ xưa, dựng đô lập ấp, phải xem âm dương, xét trời đất, nhắm trước sau, thẩm cao thấp; kết-quả là chưa có cửa Tiền thành nào không quay về hướng mặt trời. Ngày xưa, đương triều nhà Nguyên trước, có thể cửa Tiền ở thành Phù Nam ngoảnh về Đông, nhưng tôi không thể biết (Lê Quí Đôn có lẽ đã đọc sách Chân Lạp Phong Thổ Kí của Chu Đạt Quan đời Nguyên tả thành Angkor). Còn như Đô Thành nước tôi, thì cùng một chế với thành quách xưa nay. Vả chăng, chín cửa thành Kinh sư (Bắc Kinh) và những dinh thự sáu bộ và các Tự, các Viện đều bởi quan thái-giám nước tôi tên Nguyễn An xây nên đời Vĩnh Lạc, việc ấy được chép trong sách Hoàng Minh thông kỉ. Nhân tiện xin trình”.
Chu Bội Liên nói: “Quí quốc có nhiều người tài nghệ như thế, mà tôi nghe rằng hiện nay, các trị sở tại trấn, phủ, huyện đều không có thành quách, là tại sao ?”
Lê Quí Đôn đáp: “Sách Hán chí chép: Giao chỉ có hơn 60 thành. Gần đây, trong khoảng triều Minh cai trị, cũng đắp hơn 20 thành. Không phải rằng nước tôi không biết giữ nếp cũ, nhưng ban đầu, khi quốc triều (Lê) mới lập, đã san bằng hết. Chỉ ở trấn thị, đắp luỹ đất mà thôi. Tôi trộm nghĩ rằng đó bởi có thâm ý…”.
Chu hỏi: “Tại sao ?” Lê Quý Đôn đáp: “Nước nhỏ tôi và nước lớn Ngài, sự thể không giống nhau. Nay may được Thánh triều ôm ấp vỗ về, hai nước thành một nhà, không phải trở lại lo nữa. Nhưng trong buổi đầu triều Nguyên và triều Minh, bị tụi biên thần tham công mà sinh sự với nước tôi. Chúng tôi sợ bị đột nhập. Nếu tụ nhau ở trong một thành, ngồi để chịu vây đánh, thì chẳng là kế hay. Dân chúng là lính, làng mạc là của. Nếu ở linh tinh phân tán, thì muốn đánh cũng không chỗ nào mà đánh, muốn cướp cũng không thấy đâu mà cướp. Trái lại, nhân chỗ họ mà phá rối, đặt phục mà cản đường. Làm như vậy mới có thể giữ nước”.
Bằng sự uyên bác của mình, Lê Quý Đôn đã đối đáp và phản biện lại những hiểu biết sai lầm và sự khinh thường nước ta của nhiều học giả và quan lại Trung Quốc. Đồng thời Lê Quý Đôn cũng đã tranh thủ cơ hội để nhắc lại chính người nước ta là Nguyễn An đã có công trong việc xây dựng cửa Thiên An Môn cùng 8 cửa khác của thành Bắc Kinh, cũng như doanh thự trong thành. Mặt khác, ông đã giải thích một cách chí lí chiến lược “của không nhà trống”, phân tán du kích, để cảnh giác người Thanh. Chu Bội Liên phải thốt lên rằng: “Bàn luận thật là khoái, khiến người thán phục và kính trọng !”[24].
Trong sách Bắc sứ thông lục cũng đã ghi lại tờ trình bằng chữ Nôm do Lê Quy Đôn soạn để báo cáo với chúa Trịnh Doanh về những sự việc diễn ra quá trình đi sứ của đoàn sứ thần. Trong tờ trình này đã kể lại việc các sứ thần đã tích cực yêu cầu các quan lại nhà Thanh phải bỏ chữ “Di” (mọi) để chỉ người nước ta, kể cả sứ thần, thể hiện sự miệt thị. Việc này, trong tờ trình viết: “Kì trước, chúng tôi tiến quan (qua cửa Nam Quan) với vào chí kiến (chào) quan Nam Ninh, thì nó cũng chiếu cựu lệ, nó xướng rằng: “Di quan kiến” (quan mọi chào). Kì nầy chúng tôi cũng có đầu văn (nộp thư) nơi quan vũ viện đạo đạt tình diêu xin hành văn đạo, phủ, hễ nghi chú văn thư, đình DI QUAN tự (đến quan Tuần Vũ, kể rõ thắc mắc, xin gửi tờ sức cho các đạo, các phủ, bảo: phàm trong nghi lễ, văn thư, sẽ thôi dùng chữ di quan, nghĩa là Quan mọi). Tối hôm ấy, quan Bố Chánh họ Diệp (tên Tồn Nhân) truyền hai quan bạn tống (quan Thanh đi kèm sứ bộ) với thông sự (phiên dịch) lên Công đường; trước hỏi: “Ủy vấn Cống sứ nhất lộ tân khổ?” (thăm hỏi các Cống sứ, dọc đường khó nhọc không). Sau lấy trình văn bảo rằng: “Nghiện cá thậm hảo, thuyết đắc hoạt lí. Đạn cổ ngữ văn : THUẤN sinh ư Gia phùng, đông di chi nhân dã; Văn vương sinh ư Kì chu, tây di chi nhân dã. DI tự nguyên phi khinh mạn Quí quốc. Kim Sứ thần dĩ thử vi ngôn, dĩ mông Vũ đài chuẩn doãn, hành nhất giác công văn, truyền Tả giang đạo cấp các phủ, tự hậu đình hô DI tự xưng AN NAM quốc sứ …” (Văn này rất hay, nói rất đúng lí. Nhưng lời xưa đã nói : vua Thuận sinh đất Gia phùng, là người mọi phía đông; vua Văn vương sinh đất Kì Chu, là người Mọi phía Tây. Dùng chữ Di vốn không phải để kinh nhờn Quí quốc. Nay sứ thần đã đem sự nầy bày tỏ nên lời thì đã được nhờ ơn quan Tuần vũ bằng lòng nghe. Đã gửi một ống công văn truyền cho đạo Tả giang và các phu, dặn từ rày về sau đừng hô chữ DI nữa, và gọi là Cống sứ nước AN NAM. Sứ có thể về nước thưa với Quốc vương được rõ. . .)[25].
Có thể nói đây là một thắng lợi lớn của sứ đoàn trong việc đấu tranh với quan lại triều Thanh nhằm nâng cao vị thế của dân tộc. Thắng lợi này chắc chắn có vai trò không nhỏ của Lê Quý Đôn.
3. Một số nhận xét
Như vậy, chúng ta có thể thấy Lê Quý Đôn ngay từ nhỏ cũng như khi đảm trách nhiệm vụ sứ thần của triều đình Lê – Trịnh đi sứ nhà Thanh đều ý thức rất rõ phải giữ cho được thể diện của quốc gia, không làm nhục mệnh vua, làm vẻ vang nước nhà. Trong chuyến đi sứ này, có thể nói, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua những cuộc tiếp xúc với các sứ thần Triều Tiên, ông đã thể hiện là người có vốn kiến thức sâu rộng, am hiểu tường tận văn hóa của nước bạn, do vậy, họ đã rất trân trọng và đánh giá cao tài năng của ông, cũng qua đó họ đề cao văn hiến của nước Đại Việt. Còn đối với các học giả và quan lại nhà Thanh, sau những tiếp xúc với Lê Quy Đôn, họ đã có cái nhìn khác về nước ta, không còn thể hiện rõ sự khinh miệt như trước. Vị thế của nước Đại Việt đã được nâng cao trong quan hệ bang giao với nước ngoài. Có được điều này là nhờ một phần công lao rất lớn của nhà bác học Lê Quý Đôn.
Thiết nghĩ, qua trường hợp của Lê Quý Đôn đã cho chúng ta thấy, trong bối cảnh hiện nay, khi mà đất nước đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới, vị thế của nước ta như thế nào trong con mắt của người nước ngoài là phụ thuộc rất nhiều vào không chỉ những người làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp, mà còn đối với bất cứ công dân nào khi đi ra nước ngoài hay tiếp xúc với những người ngoại quốc ở trong nước. Mỗi cử chỉ, hành động, cũng như mức độ hiểu biết về tri thức sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của cá nhân mà còn hình ảnh, vị thế của dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 4, Nxb Sử học, H.1961.
2. Lê Quý Đôn: Quần thư khảo biện, bản dịch và chú giải của Trần Văn Quyền, Nxb KHXH, H.1995.
3. Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ, tập 1, Trần Văn Giáp dịch, Nxb Văn hóa, H.1961.
4. Lê Quý Đôn: Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Nxb.KHXH, H.1977.
5. Ngô Đức Thọ (chủ biên): Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Văn học, H.1993.
6. Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi: Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học, H.2006.
7. Nguyễn Minh Tường: Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn và sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiên, Lý Huy Trung tại Bắc Kinh năm 1760, Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (92) 2009, tr.3-7.
8. Hoàng Xuân Hãn: Vụ Bắc sứ năm Canh Thìn đời Cảnh Hưng với Lê Quý Đôn và bài trình bằng văn Nôm, Tập san Sử Địa, số 6, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1967.
9. Hoàng Xuân Hãn: Vụ Bắc sứ năm Canh Thìn đời Cảnh Hưng, Tập san Sử Địa, số 11, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1968.
10. Hoàng Xuân Hãn: Lê Quý Đôn đi sứ nước Thanh, báo Đoàn Kết, số Giai Phẩm Xuân 80 (nguồn: http://www.diendan.org/tai-lieu/doan-ket/le-qui-111on-111i-su-nuoc-thanh; cập nhật ngày 2/5/2008, 00h:36’).
[1] Nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình
[2] Theo Ngô Đức Thọ (chủ biên): Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb Văn học, H.1993, tr.680-681
[3] Theo phần Giới thiệu bản dịch của Trần Văn Quyền cuốn Quần thư khảo biện, Nxb KHXH, H.1995, tr.6-7.
[4] Lê Quý Đôn: Vân đài loại ngữ, Tập 1, Trần Văn Giáp dịch, Nxb Văn hóa, H.1961, tr43.
[5] Ý nói được cha dạy bảo
[6] Lời Tựa cho sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1777, trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Nxb.KHXH, H.1977,tr.14.
[7] Ông sinh năm 1710, chưa rõ năm mất, người xã An Hoạch, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736) đời Lê Ý Tông, làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, được phong tước hầu (Theo: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi: Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học, H.2006, tr.600-601)
[8] Người xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn – nay là thôn Danh Lâm huyện Đông Anh, Hà Nội. 45 tuổi ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất than (Hoàng Giáp) khoa Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông, làm quan đến chức Đông các Học sĩ, được phong tước Bá (Theo: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi: Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919, Nxb Văn học, H.2006, tr.608)
[9] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Sử học, H.1961, tập 4, tr.96.
[10] Theo: Hoàng Xuân Hãn, Vụ Bắc sứ năm Canh Thìn đời Cảnh Hưng, Tập san Sử Địa, số 11, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1968, tr.200.
[11] Theo: Hoàng Xuân Hãn, Lê Quý Đôn đi sứ nước Thanh, báo Đoàn Kết, số Giai Phẩm Xuân 80 (nguồn: http://www.diendan.org/tai-lieu/doan-ket/le-qui-111on-111i-su-nuoc-thanh; cập nhật ngày 2/5/2008, 00h:36’).
[12] Quế đường thi tập: tập thơ đi sứ, Lê Quý Đôn tập hợp những bài thơ xướng họa của ông với các bạn thơ Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc, hiện được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Hà Nội, kí hiệu A.576 (dẫn theo: Nguyễn Minh Tường, Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn và sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiên, Lý Huy Trung tại Bắc Kinh năm 1760, Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (92) 2009, tr.3-7.)
[13] Nguyễn Minh Tường, Cuộc tiếp xúc giữa sứ thần Đại Việt Lê Quý Đôn và sứ thần Hàn Quốc Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiên, Lý Huy Trung tại Bắc Kinh năm 1760, Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (92) 2009, tr.3-7.
[14] Tức Tô Đông Pha đời Tống, tùy bút của ông do người đời sau tập hợp thành 5 quyển gọi là Đông Pha chí lâm.
[15] Trang Tử ở đất Mông nên gọi là Mông Tẩu (ông già đất Mông). Ông là tác giả của sách Nam Hoa kinh.
[16] Tức Chu Hy, nhà nho lớn đời Tống.
[17] Tức Lục Cửu Uyên, nhà nho lớn đời Tống.
[18] Lê Quý Đôn: Quần thư khảo biện, bản dịch và chú giải của Trần Văn Quyền, Nxb KHXH, H.1995, tr.57.
[19] Lê Quý Đôn: Quần thư khảo biện, bản dịch và chú giải của Trần Văn Quyền, Nxb KHXH, H.1995, tr.60.
[20] Quan Đề đốc tỉnh Quảng Tây triều Thanh
[21] Lời tựa trong sách Thánh Mô Hiền Phạm Lục.
[22] Một quan nhà Minh sai sang cai trị nước ta sau khi Hồ Quí Ly bị bắt
[23] Chu Bội Liên nói ý này trong lời tựa sách Thánh Mô Hiền Phạm Lục
[24] Theo: Hoàng Xuân Hãn, Lê Quý Đôn đi sứ nước Thanh, báo Đoàn Kết, số Giai Phẩm Xuân 80 (nguồn: http://www.diendan.org/tai-lieu/doan-ket/le-qui-111on-111i-su-nuoc-thanh; cập nhật ngày 2/5/2008, 00h:36’)
[25] Theo: Hoàng Xuân Hãn, Vụ Bắc sứ năm Canh Thìn đời Cảnh Hưng với Lê Quý Đôn và bài trình bằng văn Nôm, Tập san Sử Địa, số 6, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1967, tr.160.