Thực hiện kế hoạch công tác năm học 2023 – 2024, Giảng viên Khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã đi thực tế chuyên môn tại Quảng Ninh (từ ngày 13 đến ngày 14/4/2024).
Điểm đến đầu tiên trong chuyến đi thực tế là quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng ở Quảng Yên, Uông Bí. Tại đây, Đoàn đã đến các di tích: đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến đò rừng, bãi cọc Yên Giang - các địa danh gắn với chiến thắng lẫy lừng đập tan quân Nguyên Mông vào năm 1288 của quân dân nhà Trần. Khu trung tâm của di tích là đền Trần Hưng Đạo là nơi thờ vị anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Hiện nay, trong đền còn lưu giữ được 9 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Trần Hưng Đạo. Nằm sát đền Trần Hưng Đạo là miếu Vua Bà và cây quếch – nơi thờ bà bán hàng nước, người đã chỉ dẫn cho Trần Hưng Đạo biết lịch triều con nước, địa thế lòng sông Bạch Đằng và chiến thuật hỏa công để Trần Hưng Đạo xây dựng trận địa cọc đánh quân Nguyên Mông. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, Trần Hưng Đạo trở lại tìm bà để tạ ơn nhưng không thấy, chỉ thấy đống mối đùn lên rất to nơi bà ngồi, cảm kích trước tấm lòng yêu nước của bà, Hưng Đạo Vương đã tâu với vua Trần, sắc phong cho bà bán hàng nước là “Vua Bà” và lập miếu thờ Bà ngay trên nền quán nước bên cạnh cây quếch. Đứng tại miếu Vua Bà nhìn ra ra không xa là bến đò rừng - nơi Trần Hưng Đạo chọn làm địa điểm phát hỏa làm hiệu lệnh cho quân sĩ mai phục ở hai bên sông Bạch Đằng đồng loạt tấn công giặc Nguyên Mông. Cách đền Trần Hưng Đạo 1,8 km là di tích bãi cọc Yên Giang, một phần của trận địa cọc Bạch Đằng năm 1288. Tấm bia cạnh di tích đã ghi rõ vai trò của bãi cọc: "Dựa vào địa thế sông Bạch Đằng (thế kỷ thứ XIII), lòng sông có nhiều bãi bồi và dải đá ngầm, Trần Hưng Đạo đã cho đóng những bãi cọc ở vị trí hợp lý tạo thành một trận địa cọc chặn đánh đường rút chạy của giặc Nguyên Mông".
Điểm đến tiếp theo là Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh nằm trên đường Trần Quốc Nghiễn, Hồng Gai, thành phố Hạ Long. Với kiến trúc độc đáo, lại nằm ngay bên bờ vịnh Hạ Long, cùng với hàng vạn hiện vật, tài liệu trong đó có nhiều bảo vật quốc gia, Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp những tư liệu nhiều mặt để tìm hiểu về thiên nhiên và con người ở Quảng Ninh. Tầng 1 bảo tàng Quảng Ninh là không gian trưng bày với chủ đề biển cả và thiên nhiên. Tầng 2 là nơi Đoàn thực tế dừng dân tìm hiểu lâu nhất. Các hiện vật trưng bày ở tầng 2 đã tái hiện rất đặc sắc, sinh động về sự thay đổi trong cuộc sống người dân Quảng Ninh qua từng giai đoạn từ thời tiền sử đến sơ sử cho đến thời cận đại. Ngoài ra, tầng 2 cũng là nơi tìm hiểu thông tin về các di tích lịch sử nổi tiếng tại Quảng Ninh như chùa Đồng Yên Tử, vịnh Hạ Long… Tầng 3 của Bảo tàng đã tái hiện toàn bộ lịch sử ngành khai thác than - loại khoáng sản đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh.
Điểm dừng chân cuối cùng là Khu di tích khảo cổ hang Tiên Ông và làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long. Hang Tiên Ông - còn gọi là hang Cái Đục nằm trên đảo Cái Tai, thuộc cụm đảo Hang Trai, cách địa điểm bến tàu du lịch vịnh Hạ Long khoảng 20 km. Phía trong hang có một khối nhũ đá, trông xa gần giống hình một ông bụt, người dân chài lấy đó mà gọi tên hang là hang Tiên Ông. Năm 1938, nhà khảo cổ học người Thụy Điển tên là J.Anderson đã có chuyến hành trình khảo sát dấu tích người Việt cổ dọc ven bờ và trên các đảo thuộc vịnh Hạ Long. Ông đã phát hiện những lớp trầm tích khổng lồ chứa đầy vỏ ốc suối và một số công cụ bằng đá cuội khá thô sơ. Sự xuất hiện của nhiều vỏ ốc nước ngọt được coi là tàn tích thức ăn của người Hạ Long cổ trong hang Tiên Ông cho thấy vào giai đoạn 1 vạn năm trước, nơi đây vẫn còn là lục địa. Qua nhiều lần khảo sát và khai quật, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã nhận định hang Tiên Ông chính là một trong những điểm cư trú, sinh sống của người Hạ Long cổ, cách ngày nay khoảng 10.000-8.000 năm, tương đương văn hoá Hoà Bình và Bắc Sơn thuộc giai đoạn sơ kỳ đá mới ở Việt Nam. Người Hạ Long cổ đã lấy hang Tiên Ông làm ngôi nhà tự nhiên cho mình để cư trú và khai thác nguồn thức ăn tự nhiên từ sông, suối, bước đầu khai thác các sản vật biển để sinh sống. Kết thúc hành trình, đoàn thực tế chuyên môn đến thăm làng chài Cửa Vạn, được tạp chí du lịch Journeyetc.com bình chọn là một trong 16 làng cổ đẹp nhất thế giới năm 2012. Tại đây, đoàn thực tế chuyên môn đã thăm Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn - bảo tàng nổi trên vịnh Hạ Long trưng bày rất nhiều hiện vật, mô hình, tư liệu, tranh ảnh về cuộc sống của cộng đồng ngư dân nhằm giới thiệu, bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa làng chài.
Chuyến đi thực tế chuyên môn đã củng cố những kiến thức đã học được trước đây về lịch sử Việt Nam cho đội ngũ giảng viên Khoa Lịch sử. Qua trao đổi, thảo luận các vấn đề lịch sử giữa các thầy cô với nhau và với hướng dẫn viên thuyết minh ở các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng không chỉ giúp đoàn thực tế tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới bổ ích mà còn gợi mở nhiều ý tưởng nghiên cứu khoa học mới về lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại. Chặng hành trình hai ngày tạo sự hứng khởi trong công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và là những trải nghiệm thú vị gắn kết đội ngũ giảng viên trong Khoa.
Một số hình ảnh chuyến thực tế chuyên môn:
Cổng đền Trần Hưng Đạo ở Quảng Yên, Uông Bí, Quảng Ninh
Di tích đền Trần Hưng Đạo ở Quảng Yên, Uông Bí, Quảng Ninh
Di tích miếu Vua Bà
Di tích bến đò rừng nhìn từ miếu Vua Bà
Di tích bãi cọc Yên Giang
Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh
Di tích khảo cổ hang Tiên Ông
Bên trong di tích khảo cổ hang Tiên Ông
Chụp ảnh lưu niệm tại di tích khảo cổ hang Tiên Ông
Chèo thuyền thăm làng chài Cửa Vạn
Tin bài: Nguyễn Văn Nam - Giảng viên Khoa Lịch sử
Vào hồi 8h30 ngày 29 tháng 10 năm 2024, Khoa Lịch sử đã tổ chức báo cáo chuyên đề cho giảng viên, sinh viên khoa Lịch sử
09/11/2024
Thực hiện công tác của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và khoa Lịch Sử, vào 14h00’ ngày 31/10/2024, Khoa Lịch sử -
31/10/2024
Vào 8h30’ ngày 27 tháng 10 năm 2024, sinh viên K49 khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức thành công
29/10/2024
Hoà chung không khí náo nhiệt của ngày hội Chào tân sinh viên K50 và khởi đầu năm học mới, khoa Lịch sử, Trường Đại
19/10/2024
Hoà chung với không khí náo nhiệt của ngày hội chào Tân sinh viên K50 và khởi đầu năm học mới, vào 13h30 ngày 17 tháng 10
19/10/2024
Thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch năm học 2024 - 2025, khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức chuyến
15/10/2024
Vào 19h30, ngày 07/10/2024, tại hội trường D2.3 Giảng đường ABCD, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, khoa Lịch sử tổ chức
10/10/2024
Vào 8h30 ngày 04 tháng 10 năm 2024, Khoa Lịch sử đã tổ chức Tập huấn chuyên môn với chủ đề “Tập huấn nâng cao năng lực
05/10/2024