Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0949232363
khoalichsu@hpu2.edu.vn

Chi đoàn cán bộ Khoa Lịch sử - ĐHSP Hà Nội 2 - Giới thiệu sách nhân Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, chi đoàn cán bộ khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 xin giới thiệu đến thầy cô và các bạn sinh viên 3 cuốn sách thú vị, hấp dẫn không chỉ với sinh viên sư phạm Lịch sử, mà còn phù hợp với những độc giả yêu thích Lịch sử, mong muốn tìm hiểu về giáo dục. Những cuốn sách dưới đây đều có tại tủ sách khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Rất mong sự quan tâm tìm đọc của quý thầy cô và các bạn sinh viên.  

  • Cát trọc đầu – Nhà xuất bản Trẻ, 2012.

Cuốn sách “Cát trọc đầu” của tác giả Nguyễn Quang Vinh là cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến tranh chống Mĩ trên mảnh đất Quảng Bình đầy khói lửa. Một tác phẩm trần trụi theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi miêu tả mọi ngóc ngách trên thực tế chiến trường, nóng bỏng, khủng khiếp. Không chỉ là thực tế của bom rơi đạn nổ chết chóc đau thương. Mà là những số phận người, sự tráo trở của anh hùng và hèn nhát, nhân văn và độc ác, sự khuất lấp và đánh tráo những giá trị thực và giả. Đọc theo từng con chữ của tác giả là nóng như cát nóng, bỏng như cát bỏng, rát như cát rát, cứ từng trang từng trang quất liên hồi vào mặt người đọc thực tế của chiến trường, thực tại của cuộc chiến. Cách viết của tác giả là kể, kể tuần tự, kể cụ thể, phơi bày trần trụi việc và người, tung ra dồn dập các sự kiện, chi tiết, có những chi tiết khủng khiếp, từ đó phơi bày những nhân vật con người trong cuộc sống chết với bom đạn. “Cát trọc đầu” không né tránh những mặt xấu của xã hội, đẩy cái xấu đến tận cùng của sự thê thảm, sự bi hài và cảnh báo về mầm móng của những kẻ cơ hội đang lấy vỏ bọc chiến tranh để chui sâu, leo cao, trở thành những “con sâu” sau hòa bình, mở ra cho người đọc biết một cuộc chiến khác, cuộc chiến nhân cách con người.

  1. Nam Biều Ký: An Nam qua du ký của thủy thủ Nhật Bản cuối thế kỷ XVIII, Nhà xuất bản Dân trí, 2020

Nằm trong chuỗi những tư liệu thành văn về mạng lưới thương mại nội Á (intra-Asian trade network) nói chung, và thương mại Việt-Nhật thế kỷ XVIII nói riêng, Nam Biều Ký: An Nam qua du ký của thủy thủ Nhật Bản cuối thế kỷ XVIII do Nguyễn Mạnh Sơn khảo cứu và biên dịch là một tư liệu đáng giá ghi chép bằng văn tự và hình họa về nước An Nam đương thời. Tác phẩm xoay quanh cuốn nhật ký Nam Biều Ký (南瓢記) của Shihoken Seishi, một cuốn du ký ra đời vào cuối thế kỷ XVIII, ghi chép dựa trên những tư liệu của các thuyền nhân cung cấp về sự kiện thuyền nhân Nhật Bản trên hải trình gặp nạn, sóng gió đưa đẩy đẩy tới địa phận nước Nam và được chính quyền và người dân bản địa trợ giúp về vật chất, cũng như quá trình hồi hương. Trước khi đi vào phần chính “Nam Biều Ký: biên dịch và chú giải”, Nguyễn Mạnh Sơn đã dành những trang đầu tiên khái quát vài nét về Nam Biều Ký và những tư liệu về người Nhật Bản ghi chép về An Nam thế kỷ XVIII-XIX. Từ những câu chuyện chân thực, mắt thấy tai nghe của các thuyền nhân sống phiêu bạt ở An Nam vào thời kỳ “tỏa quốc” đến những bức thư ngoại giao giữa các chính quyền Việt Nam và Nhật Bản, đây thực sự là một tác phẩm chứa đựng những tư liệu gốc thú vị và hữu ích trong việc nghiên cứu hải thương Việt Nam và Nhật Bản cuối thế kỷ XVIII.

  1. Trường học sáng tạo cuộc cách mạng từ gốc rễ, chuyển hóa giáo dục, Nhà xuất bản Thế giới, 2021.

“Nếu học sinh đang không học nghĩa là giáo dục đang không hiện hữu. Có thể một thứ gì đó đang diễn ra, nhưng vẫn không phải là giáo dục”. Đó là câu dẫn ngay trang bìa của cuốn sách Trường học sáng tạo cuộc cách mạng từ gốc rễ, chuyển hóa giáo dục của tác giả Ken Robinson và Lou Aronica - một cuốn cẩm nang cho những ai đang thực sự nghiêm túc, suy tư về giáo dục.

Ngay ở phần dẫn nhập, tác giả đã trao đổi rằng thực tế có nhiều người vốn dĩ tài năng lại nghi ngờ năng lực của bản thân, chỉ vì loại tài năng của họ không được trân trọng ở trường học, thậm chí bị xem thường. Việc này không chỉ gây hại cho những cá nhân đó mà còn làm suy yếu cả cộng đồng, phải chăng “trường học đang giết chết sự sáng tạo?”. Tác giả đã phân tích, dẫn chứng từ nhiều trường học trên thế giới để đúc rút ra một quan điểm rằng: sự chuẩn hóa đã và đang kiềm chế nhiều cơ hội phát triển của học sinh. Trên con đường cải cách giáo dục diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, chúng ta vẫn đang quá quan tâm đến những quy chuẩn và hình mẫu chung, trong khi điều quan trọng để phát triển năng lực người học đó là hướng đến tính cá nhân hóa trong giáo dục. Chương 2 và chương 3 của cuốn sách cung cấp những ví dụ về những ngôi trường mà Robinson cho rằng đó mới thực sự là những môi trường giáo dục khai thác được động lực, tiềm năng và sự sáng tạo của học trò.Các chương tiếp theo cung cấp những ý tưởng về những hoạt động học tập thiết thực, khả năng học tập bất tận của người học khi được cung cấp những công cụ phù hợp, những góc nhìn về áp lực điểm số và cách cải thiện kiểm tra đánh giá trong giáo dục.

Chúng ta không thể tạo ra được một thế giới hoàn hảo cho giáo dục mà chỉ có thể liên tục cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để học trò được phát triển, để mỗi cá nhân có năng lực đối diện với một thế giới luôn thay đổi. Mong rằng có nhiều quý thầy cô, các bạn sinh viên sư phạm – những giáo viên tương lai cùng tìm đọc cuốn sách này, và việc học tập của họ sinh sẽ là thực sự học tập, giáo dục sẽ được thực sự là giáo dục.

Trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc gần xa!

Bài và ảnh: Chi đoàn cán bộ Khoa Lịch sử



Tags:


Bài viết khác

Khoa Lịch sử gặp mặt kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Khoa Lịch sử gặp mặt kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Hòa trong không khí toàn ngành Giáo dục hân hoan chào mừng 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024), sáng ngày 20/11/2024,

22/11/2024

Bài giảng chuyên đề của chuyên gia nước ngoài chủ đề  “Thời đại Park Chung Hee ở Hàn Quốc”

Bài giảng chuyên đề của chuyên gia nước ngoài chủ đề “Thời đại Park Chung Hee ở Hàn Quốc”

Vào hồi 8h30 ngày 29 tháng 10 năm 2024, Khoa Lịch sử đã tổ chức báo cáo chuyên đề cho giảng viên, sinh viên khoa Lịch sử

09/11/2024

Hội nghị viên chức, người lao động Khoa Lịch sử năm học 2024-2025

Hội nghị viên chức, người lao động Khoa Lịch sử năm học 2024-2025

Thực hiện công tác của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và  khoa Lịch Sử, vào 14h00’ ngày 31/10/2024, Khoa Lịch sử -

31/10/2024

Triển lãm “Bình minh rực rỡ”

Triển lãm “Bình minh rực rỡ”

Vào 8h30’ ngày 27 tháng 10 năm 2024, sinh viên K49 khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức thành công

29/10/2024

Hành trình di sản quê hương số 8, năm học 2024 - 2025

Hành trình di sản quê hương số 8, năm học 2024 - 2025

Hoà chung không khí náo nhiệt của ngày hội Chào tân sinh viên K50 và khởi đầu năm học mới, khoa Lịch sử, Trường Đại

19/10/2024

Khoa Lịch sử tổ chức thành công Chương trình

Khoa Lịch sử tổ chức thành công Chương trình "Người giáo viên tương lai” số 11 năm học 2024 - 2025

Hoà chung với không khí náo nhiệt của ngày hội chào Tân sinh viên K50 và khởi đầu năm học mới, vào 13h30 ngày 17 tháng 10

19/10/2024

Chuyến hành trình thực tế tại Thái Nguyên - Tuyên Quang - Cao Bằng

Chuyến hành trình thực tế tại Thái Nguyên - Tuyên Quang - Cao Bằng

Thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch năm học 2024 - 2025, khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã tổ chức chuyến

15/10/2024

CLB Nghiệp vụ sư phạm khoa Lịch Sử tập huấn “Công tác chủ nhiệm”

CLB Nghiệp vụ sư phạm khoa Lịch Sử tập huấn “Công tác chủ nhiệm”

Vào 19h30, ngày 07/10/2024, tại hội trường D2.3 Giảng đường ABCD, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, khoa Lịch sử tổ chức

10/10/2024

0976.586.016