Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
0949232363
khoalichsu@hpu2.edu.vn

Thông báo tọa đàm khoa học: nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam và các hướng nghiên cứu mới hiện nay

Nằm trong chuỗi các hoạt động sinh hoạt học thuật thường niên, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 có cơ hội gặp gỡ, trao đổi chuyên môn cùng PGS.TS Pascal BOURDEAUX và GS.TS Đỗ Quang Hưng thông qua vai trò kết nối của TS.Ninh Thị Sinh. Buổi tọa đàm khoa học với chủ đề Nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam và các hướng nghiên cứu mới hiện nay  có sự tham gia của 2 nhà khoa học sẽ được tổ chức vào 8h30 sáng ngày 17 tháng 10 năm 2017 tại phòng 204 Khu nhà học thí nghiệm, Trường ĐHSP Hà Nội 2.

PGS.TS Pascal BOURDEAUX, giảng viên trường Cao học thực hành (Ecole pratique des Hautes Études, Paris) là một chuyên gia về Việt Nam. Sau Luận án Tiến sĩ về Phật giáo Hòa Hảo (2003), ông BOURDEAUX đã mở rộng nghiên cứu của mình theo các hướng như: Lịch sử tôn giáo hiện đại ở Việt Nam (Phật giáo, các phong trào tôn giáo mới, tín ngưỡng dân gian); Văn hóa và văn học ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Lịch sử khoa học tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á.

Trên cương vị là phái viên của EFEO, BOURDEAUX có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam. Trong số đó phải kể tới dự án giới thiệu Truyện thơ Lục Vân Tiên.  Năm 2010, Viện Viễn Đông Bác Cổ khám phá ra bản thảo tranh màu minh họa truyện thơ tiêu biểu của văn hóa Nam Bộ “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) ngủ yên trong tàng thư của Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp từ cuối thế kỷ XIX. Ý thức được giá trị lớn lao của tác phẩm đối với văn hóa Việt Nam, Pascal Bourdeaux và Oliver Tessier đã biên tập, chuyển ngữ tác phẩm để xuất bản tại Pháp và tại Việt Nam. Đây không chỉ đơn thuần là việc tái bản một tác phẩm văn học có tầm quan trọng hàng đầu, bản thân bản thảo này chính là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Ngày 30/5/2016 hai ông giới thiệu công trình của mình tới đông đảo công chúng.

GS Đỗ Quang Hưng, nguyên là cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam. Ông là một trong những người sáng lập nên Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam, và là Viện trưởng trong vòng 10 năm. Ông đã xuất bản nhiều sách liên quan đến lịch sử cận đại Việt Nam như Công hội đỏThêm những hiểu biết về Hồ Chí MinhHồ Chí Minh với giai cấp công nhân và công đoàn (chủ biên), Lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt NamLịch sử báo chí (chủ biên),…

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo ông cũng có nhiều công trình nghiên cứu nổi bật. Ngoài các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, ông đã công bố nhiều sách về tôn giáo. Một trong những thành tựu nghiên cứu tôn giáo tiêu biểu của ông là bộ ba cuốn sách: 1. Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam: lý luận và thực tiễn2. Chính sách tôn giáo và nhà nước pháp quyền3. Nhà nước, tôn giáo và pháp luật. Bộ ba cuốn sách này có độ dày hơn 1.500 trang, tổng kết các vấn đề lý luận nhận thức tôn giáo và chính sách tôn giáo.

Tại buổi tọa đàm lần này, hai nhà khoa học sẽ tập trung trao đổi hai vấn đề chính: Nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam và các nghiên cứu mới hiện nay. Sự kiện này là cơ hội để cho đội ngũ giảng viên của Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội 2 giao lưu, học hỏi các nhà khoa học danh tiếng trong và ngoài nước, từng bước tạo lập những điều kiện cần thiết cho bước phát triển về nghiên cứu khoa và hợp tác quốc tế theo định hướng chiến lược của đơn vị. Đồng thời đây cũng là sự kiện tạo ra cơ hội giao lưu với các nhà khoa học thuộc các cơ sở đào đạo, nghiên cứu trong nước.

Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 trân trọng thông báo và kính mời các giảng viên, các nhà khoa học và mọi người quan tâm tham dự.





Bài viết khác

Khoa Lịch sử tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đông Bắc Á: thực trạng, hàm ý chính sách và một số chủ đề liên quan”

Khoa Lịch sử tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đông Bắc Á: thực trạng, hàm ý chính sách và một số chủ đề liên quan”

Vào 8h30 ngày 28/8/2024, Khoa Lịch sử đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Xuất khẩu lao động Việt Nam sang Đông

01/09/2024

Hội thảo “Dạy kĩ năng tư duy trong môn Lịch sử: định hướng dạy học trong kỉ nguyên số”

Hội thảo “Dạy kĩ năng tư duy trong môn Lịch sử: định hướng dạy học trong kỉ nguyên số”

Thực hiện nhiệm vụ của đề tài KHCN cấp Bộ, Hội thảo “Dạy kĩ năng tư duy trong môn Lịch sử: định hướng dạy học

26/07/2023

Nghiệm thu đề tài KHCN ưu tiên thực hiện cấp cơ sở “Trí thức và Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX” của TS Ninh Thị Sinh

Nghiệm thu đề tài KHCN ưu tiên thực hiện cấp cơ sở “Trí thức và Phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX” của TS Ninh Thị Sinh

Sau một quá trình triển khai nghiên cứu, vào hồi 9h00 ngày 14/7/2023, đề tài khoa học công nghệ ưu tiên thực hiện cấp cơ

25/07/2023

0976.586.016